Năm 1789, sau khi lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ (1753-1792) đã chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Bên cạnh đó, ông cũng là người thống nhất đất nước sau hơn 200 năm bị chia cắt với cục diện Nam Triều – Bắc Triều, Đàng Trong – Đàng Ngoài với chiến công đánh bại chúa Nguyễn, chúa Trịnh, quét sạch quân xâm lược Xiêm La, Mãn Thanh ra khỏi đất nước, thu giang sơn về một mối, chấn hưng, phát triển đất nước.
Tài dùng binh của Nguyễn Huệ
Để phá 29 vạn quân xâm lược, Nguyễn Huệ đã vận dụng một chiến lược khác hẳn chiến lược của các bậc tiền bối như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi hay Nguyễn Trãi…
Chiến lược của Nguyễn Huệ không phải là chiến lược phòng ngự tích cực của Lý Thường Kiệt, cũng không phải là chiến lược kháng chiến lâu dài của Trần Hưng Đạo hay của Lê Lợi, mà là chiến lược đánh nhanh thắng nhanh. Đây là một chiến lược được vận dụng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đối với quân xâm lược phương Bắc.
Động viên quân sĩ đồng lòng
Tương truyền, trước khi xuất chinh, tại lễ lên ngôi ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập kế động viên quân sĩ. Sau khi làm lễ, vua sai mang đến cái mâm, bên trên đặt các đồng tiền, phủ vải điều rồi nói với quân sĩ: “Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở”. Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, đặng bưng mâm tiền, cung kính dâng lên cao, rồi hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra Bắc sẽ thắng quân Thanh. Sự thực, Nguyễn Huệ đã sai đúc 200 đồng tiền có cả 2 mặt đều là sấp.
Sau đó, ông lại nâng cao sĩ khí quân lính bằng bài Hịch ra trận hào hùng:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó bánh xe không quay lại
Đánh cho nó manh giáp không trở về
Đánh cho sử biết nước Nam anh hùng có chủ.
Vị vua sáng suốt, bình dị
Sau khi đánh tan quân Thanh, vua Quang Trung tiến hành cải cách kinh tế, xã hội. Ông sắp đặt lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy Nhà nước. Đặc biệt, để phát triển quốc gia, Nguyễn Huệ rất chú trọng việc thu hút nhân tài. Ông ban “Chiếu cầu hiền”, hy vọng người tài đứng ra phò vua giúp nước. Trước thái độ trọng dụng hiền tài của vua Quang Trung, nhiều cựu thần nhà Lê đã ra giúp nhà Tây Sơn.
Là vị tướng Nam chinh Bắc chiến, sau này là vua một nước, nhưng trong cuộc sống đời thường, vua Quang Trung lại rất bình dị. Dân gian lưu truyền khá nhiều giai thoại đối đáp, cho thấy ông là người thông minh, sắc sảo. Ngay cả khi không vừa lòng với người cấp dưới, ông vẫn bình tĩnh nhắc nhở một cách tế nhị nhưng vô cùng thấm thía. Sau khi Tây Sơn chiếm Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh nóng lòng muốn Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà để ông ta có cơ hội báo thù riêng. Chỉnh nói: “Người tài Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này thôi. Nay tôi đã đi rồi, ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại”. Nguyễn Huệ mới đùa rằng: “Không nghi ngại người nào khác, chẳng hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư?”. Vua đối đáp nhẹ nhàng nhưng thực chất là nhắc khéo Nguyễn Hữu Chỉnh chớ kiêu căng, tự phụ.
Khi Nguyễn Huệ ra Bắc đánh Trịnh, quân lính đánh vào Văn Miếu, làm đổ một số bia tiến sĩ. Sau khi Quang Trung đại thắng quân Thanh, người dân quanh đó nhờ các nhà Nho làm đơn, đề đạt nguyện vọng khôi phục di tích nhưng chỉ gọi vua là “Ngài”. Quang Trung phê: “Ta không trách các nông phu. Ta chỉ gớm các thầy Nho, cả gan, to mật, dám kêu vua bằng Ngài”. Vua cũng tỏ ý cho dựng lại di tích. Sự kiện này giúp nhà vua gần hơn với dân chúng. Sự giản dị, bình dân ấy là điểm hiếm có ở bậc vua chúa.
Vị vua nhìn xa trông rộng
Không chỉ có tài cầm quân, sáng suốt về mặt chính trị, vua Quang Trung còn biết nhìn xa trông rộng. Để đề cao quốc gia dân tộc, Quang Trung bỏ Hán ngữ như là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của quốc gia. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Việt và được viết trong các văn kiện hành chính bằng hệ thống chữ Nôm.
Đối với trong nước, ông cho lập sổ theo dõi nhân khẩu (hay hộ khẩu).
Đối với nước ngoài, vua Quang Trung chủ trương mở rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta. Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, vua tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với nước ta. Nhờ vậy, tình hình thương nghiệp của nước ta (nội thương và ngoại thương) được phục hưng và phát triển. Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận lợi, chính quyền còn cho đúc tiền đồng mới “Quang Trung thông bảo” và “Quang Trung đại bảo”.
Sự nghiệp cứu nước, dựng nước của vị anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ được người vợ yêu – Ngọc Hân Công Chúa khái quát qua 2 câu thơ:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.”
Lời bàn:
Hơn 20 năm đánh Đông dẹp Bắc, anh hùng dân tộc Quang Trung đã lập nên những kỳ tích oanh liệt, nhiều lần đập tan các tập đoàn phong kiến phía Nam, phía Bắc, chấm dứt cảnh đất nước bị chia cắt trên 200 năm, đánh tan 5 vạn quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút và đặc biệt lập nên chiến công quét sạch 29 vạn quân Thanh. Ngay sau thắng lợi, anh hùng dân tộc Quang Trung đã chủ trương lập lại quan hệ bang giao với nhà Thanh để tranh thủ nền hòa bình, có thời gian xây dựng lại đất nước sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc.
Nhân dân Việt Nam luôn luôn tự hào ghi nhận ông là người anh hùng áo vải của dân tộc, là một trong những vị vua vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hiện nay, nhiều tên phố, tên đường khắp ba miền Bắc – Trung – Nam được mang tên ông. Nhiều tượng đài, bảo tàng, đình đền thờ tự người anh hùng áo vải.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét về người anh hùng áo vải của dân tộc như sau:
“Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”.