Trang chủ » THÁI ÚY LÝ THƯỜNG KIỆT VÀ BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN CỦA DÂN TỘC

THÁI ÚY LÝ THƯỜNG KIỆT VÀ BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN CỦA DÂN TỘC

bởi Sưu Tầm
0 bình luận 82 lượt xem

Lý Thường Kiệt vốn họ Ngô tên là Tuấn, người ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (hiện là Cơ Xá, Gia Lâm – Hà Nội). Bình sinh Ngô Tuấn là người khôi ngô tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn. Là con một võ tướng, Ngô Tuấn thích nghề võ và được dạy nghề võ. Hàng ngày, Ngô Tuấn thường luyện cung kiếm bày trận đồ, đêm chong đèn đọc binh pháp.

Năm Ngô Tuấn 18 tuổi thì mẹ mất. Ngô Tuấn cùng em lo đủ mọi nghi lễ tống táng theo tập tục thời bấy giờ. Người đời khen ông là người chí hiếu. Lúc mãn tang, Ngô Tuấn được bổ chức kỵ mã hiệu uý là một chức quan nhỏ trong quân đội. Lúc 23 tuổi, Ngô Tuấn được bổ vào ngạch thị vệ hầu vua, giữ chức “Hoàng môn chi hậu”. Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, Ngô Tuấn được rời khỏi những chức vụ trong nội cung và đưa ra giúp việc nhà vua tại triều đình.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đi đánh Champa để yên mặt phía Nam. Ngô Tuấn được cử làm tướng tiên phong, lập công lớn, vua phong Phụ quốc Thái uý, tước Khai quốc công và ban cho họ Lý (do đó có tên Lý Thường Kiệt).

Lúc bấy giờ ở Trung Hoa, vua tôi nhà Tống mong tìm cách xâm lược Đại Việt. Một mặt cầm quân xuống Đại Việt từ phía Bắc, mặt khác sai sứ qua Chiêm Thành, Chân Lạp xúi giục các nước này đánh biên thùy phía Nam nước ta.

Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh chặn giặc trên các mặt trận. Hàng đêm, ông sai người tâm phúc lẻn vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát nằm trong trận địa bên sông Như Nguyệt (tức khúc sông Cầu chảy qua huyện Yên Phong, lộ Bắc Giang) đọc vang bài thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Dịch nghĩa:

(Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

Bài thơ như một bản cáo trạng hùng biện kết tội bọn giặc, như một bản tuyên bố đanh thép về nền độc lập của đất nước ta, là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Chính nhờ thế, bài thơ đã lan truyền rất mau, nhanh, tăng gấp bội sức mạnh chiến đấu của quân lính. Bài thơ lịch sử bên sông Cầu của Lý Thường Kiệt có sức công phá vào tinh thần và ý chí xâm lược của quân Tống, khích lệ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân ta, góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của quân và dân nhà Lý, đánh tan 10 vạn quân Tống bên bờ sông Như Nguyệt. Quân Tống đại bại, Lý Thường Kiệt mở đường cho giặc giảng hòa để giặc giữ thể diện lui về nước. Từ đó về sau, trong khoảng 200 năm, triều đại Trung Quốc không dám đụng đến đất nước ta.

Lý Thường Kiệt mất tháng Sáu năm Ất Dậu (tức trong khoảng từ 13/7 đến 11/8/1105), thọ 86 tuổi, được truy tặng Kiểm hiệu Thái Úy Bình Chương Quân Quốc Trọng Sư, tước Việt Quốc Công.

Lời bàn:

Lịch sử mãi ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Ông là nhà chính trị và ngoại giao tài ba, nhà quân sự kiệt xuất, đã lãnh đạo quân dân Đại Việt, phá Tống bình Chiêm thắng lợi. Tên tuổi của Ông sống mãi cùng với bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, đây là bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Với công lao hiển hách của mình, Lý Thường Kiệt được cả triều đình nhà Lý quý trọng. Ngay lúc ông còn sống, Lý Nhân Tông đã cho làm bài hát để tán dương công trạng. Ông được lịch sử ghi nhận là anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả cuộc đời oanh liệt của mình cho sự nghiệp độc lập của đất nước, giữ bình yên cho muôn dân. 

Đọc thêm:

You may also like

Nhập bình luận