Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại đất Lam Sơn, Thanh Hóa, nhưng do tướng ít, quân thiếu nên bị tướng nhà Minh vây đánh. Lê Lợi chạy thoát, về đóng ở vùng hẻo lánh. Giặc chia quân chặn giữ những nơi hiểm yếu khiến đội quân Lam Sơn rơi vào tình thế nguy khốn. Lê Lợi lúc đó đã hỏi các tướng rằng: “Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta để ta giấu tiếng, nghi binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau?”. Các tướng không ai dám hưởng ứng. Riêng Lê Lai xin đi và nhắn rằng sau khi lấy được nước, Lê Lợi hãy nhớ đến công lao của ông và khiến con cháu muôn đời nhớ đến.
Lê Lai cải trang thành chúa Lam Sơn, lĩnh 500 quân và hai voi chiến xông ra tập kích quân Minh. Giặc tưởng nhầm ông là Lê Lợi nên đã dồn toàn lực mà đánh. Đội nghĩa quân cảm tử cùng Lê Lai chiến đấu dũng cảm, nhưng vẫn bị thất bại. Lê Lai bị bắt rồi bị hành hình. Quân Minh sau đó rút toàn bộ lực lượng về thành Tây Đô. Nhờ cơ hội đó, Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết để chiến đấu.
Cảm động trước lòng trung nghĩa của Lê Lai, Lê Lợi đã ngầm sai người đi tìm di hài ông đem về mai táng tại Lam Sơn, phong cho Lê Lai làm Đệ nhất Công thần. Vua sau đó sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề của vua nhớ công Lê Lai, để vào trong hòm vàng, phong tiếp cho công thần xả thân cứu mình hàm Thái úy.
Suốt những năm ở ngôi vua, Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) luôn nhớ ơn Lê Lai, vị tướng đã hy sinh thân mình cứu ông thoát nạn, lập lại giang sơn. Lúc sắp băng hà, Lê Lợi vẫn dặn con cháu rằng: “Ta có được ngày hôm nay là nhờ công của Lê Lai, do đó phải làm giỗ Lê Lai trước ta một ngày”. Nói đoạn vua băng hà. Đó là ngày 22 tháng Tám Âm lịch.
Các vua nối ngôi theo lời dặn của Lê Lợi đã cúng giỗ Lê Lai vào ngày 21 tháng Tám âm lịch hàng năm. Cũng bởi lý do này, từ đó dân gian mới có câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Đền thờ Lê Lai được lập tại quê nhà của ông ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Lời bàn:
Người xưa nói: “Đời người xưa nay ai không chết. Hãy để lòng son chiếu sử xanh”. “Hiếu sinh”, quý tiếc mạng sống của mình cũng như muôn loài, đó là lẽ thường trong trời đất. Nhường đường sống cho người, mình tự nhận đường chết thì chỉ có những bậc đại đức, đại nhân. Những kẻ sống không ai biết, chết chẳng ai hay thì tuy sống cũng vô ích. Còn những bậc ích quốc lợi dân, cho dù chết đi nữa, nhưng thiên hạ vẫn còn nhớ đến, vẫn còn sùng bái thì chẳng khác nào còn sống. Chọn cái chết của thân xác, quên mình cứu Chúa, để lại tiếng thơm muôn đời như Lê Lai cũng thật là hiếm có.
Đọc thêm: