- Câu chuyện Bác Hồ chăm sóc Mẹ ốm và em Xin
Vào năm 1900, Cụ Nguyễn Sinh Sắc (cha của Bác Hồ) được cử đi Thanh Hóa, coi thi Hương. Ông đã dẫn theo anh cả Khiêm (anh trai của Bác Hồ), để lại người vợ đang bị bệnh sản hậu sau sinh và 2 con nhỏ ở nhà là bé Xin mới sinh và Bé Côn (Bác Hồ lúc 10 tuổi).

Trước khi Cụ Nguyễn Sinh Sắc đi thì người vợ (Bà Hoàng Thị Loan – Mẹ Bác Hồ) đã nói: “Cổ nhân đã dạy: “Sứ trời sớm giục đường mây, phép công là trọng niềm tây xá nào”. Nhà cứ yên tâm đi làm việc lớn mà triều đình đã sắp đặt. Việc nhà, xin nhà đừng bận tâm lo nghĩ nhiều mà hao tổn tâm thần, nhãng sao phần đèn sách”.
Sau hơn một tháng, hai cha con cụ Sắc lên đường đi chấm thi hương ở Thanh Hóa thì ở nhà bệnh sản hậu của Chị Cử Sắc (Mẹ Bác Hồ) ngày càng nặng, sức khỏe suy sụp rất nhanh. Mới hơn 10 tuổi, bé Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, chăm sóc bệnh tình của mẹ, hàng ngày, Côn phải bế em sang hàng xóm xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ. Nên từ đó Nguyễn Sinh Nhuận được gọi bằng tên thân mật là em Xin.
Ngày 10 tháng 02 năm 1901 tại Huế, mẹ của Bác đã qua đời vì bệnh không qua khỏi, để lại 2 con nhỏ là Côn và bé Xin cô đơn.
Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng. Đêm đầu tiên vắng mẹ, Côn thấy rờn rợn trong đầu. Bé Xin nhớ hơi mẹ, thèm sữa gào khóc. Côn đã cất tiếng ru em, hàng ngày Côn hay dỗ dành em và thường xuyên trò chuyện với em.
- Con cứu nước là Hiếu với cha rồi đó!
Trong tập sách nhỏ của Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có ghi: “Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một nhà Nho yêu nước, thương dân và là người có công sinh thành, nuôi dạy cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ kiệt xuất, cho thế giới một danh nhân văn hóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tập sách còn nhấn mạnh: “Đặc biệt, cụ rất chú trọng đến việc giáo dục con cái”.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có một quá trình nuôi dạy các con hết sức chu đáo, chăm lo từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt đối với đứa con trai thứ ba của mình là Nguyễn Sinh Cung – sau đó được đổi tên là Nguyễn Tất Thành, với mong muốn con trai của mình tương lai sẽ có đường lập thân xán lạn, mọi việc đều thành công tốt đẹp.
Mặc dù con đường quan lộ gặp nhiều gian truân và gia cảnh neo đơn, khó khăn về cuộc sống, nhưng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc luôn kiên trì, nhìn xa trông rộng, sớm nhận ra tài năng của con trai thứ, nên Cụ đã chú tâm đặc biệt chăm lo bồi dưỡng về “lập ngôn, lập đức” để hướng tới “lập thân, lập nghiệp” cho con. Cụ đã đưa con trai mình đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, gây ý thức về cuộc kháng chiến của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng chống thực dân Pháp…để mong sao con trai sớm nhận thức ra con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn.
Được cha dạy dỗ cẩn thận, vì vậy lòng hiếu thảo của Nguyễn Tất Thành sớm được nâng cao, từ hiếu thảo cha mẹ đã chuyển trở thành “Trung với nước, Hiếu với dân”. Năm hai mươi tuổi, Nguyễn Tất Thành đã chia tay với cha mình ở Quy Nhơn, vào Nam tìm đường cứu nước, thay vì cùng cha về Huế theo lệnh triệu hồi của triều đình. Nguyễn Tất Thành lại theo thầy giáo đỡ đầu là Phạm Ngọc Thọ vào Phan Thiết, rồi được giới thiệu dạy học ở trường Dục Thanh. Từ đây, Nguyễn Tất Thành tiếp tục vào Sài Gòn tìm cơ hội ra đi tìm đường cứu nước. Sau đó ít lâu người cha khả kính của Nguyễn Tất Thành cũng tìm cách vào theo sau khi được triều đình miễn tội.
Hành trang của Nguyễn Tất Thành khi lên đường sang trời Tây tìm đường cứu nước, chính là lời dặn dò tha thiết của cha: “Con đừng bận tâm về cha! Nước mất, con lo tìm đường cứu nước. Cứu nước là hiếu với cha rồi đó! Con hãy mạnh dạn lên đường! Cha chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn để trông tin tức của con”.
Gần 10 năm sau, khi ở Cao Lãnh, cụ Phó Bảng nghe tin Nguyễn Ái Quốc – tức Nguyễn Tất Thành ký tên bản yêu sách 8 điểm gửi hội nghị Versailles thì rất phấn chấn. Cụ yên tâm khi thấy con đã thực hiện được hoài bão của mình. Đó là người con chí hiếu, đã biết nâng cao chữ Hiếu đối với cha sang Hiếu với dân, với nước.
Khoảng tháng 10 năm 1929, giữa lúc cụ Phó Bảng trở bệnh nặng qua đời ở Cao Lãnh, Đồng Tháp thì Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm và vượt sông Mê Kông sang Trung Lào, áp sát biên giới Việt – Lào. Vậy thì, Nguyễn Ái Quốc đã nghe tin cha đau nặng mà dự định tìm đường về quê hương, hay do bởi chữ Hiếu lay động, tình thân giữa cha và con thôi thúc, để Người trở về tới biên giới Việt – Lào? Dù giải thích cách nào đi nữa, thì hành động từ Xiêm qua Lào, tiếp cận với miền Trung thân yêu đang nằm dưới ách thống trị của thực dân phong kiến sau gần hai mươi năm xa cách cho thấy Nguyễn Ái Quốc luôn mang nặng chữ Hiếu với gia đình, với dân tộc và Tổ quốc.
Khi ở Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng trong cộng đồng bà con Việt kiều. Một hôm, vào lúc nửa đêm, khi nghe tiếng ru con bằng thơ Kiều của một gia đình Kiều bào miền Bắc, Nguyễn Ái Quốc rất xúc động. Người đã viết: “Xa nhà chốc đã mấy niên. Nửa đêm nghe tiếng mẹ hiền ru con!”.
Khoảng từ 1923 đến năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng với cụ Tú Cúc và Hòa thượng Từ Văn thành lập Hội danh dự chùa Hòa Khánh, Thủ Dầu Một, Bình Dương để truyền bá tư tưởng yêu nước. Trong thời gian này, cụ Phó Bảng thường đi lại nhiều nơi ở các tỉnh miền Đông, miền Tây, thậm chí có lúc lên tận Phnom Penh, Thủ đô Campuchia để hoạt động từ thiện xã hội, bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo. Nhưng thực chất vẫn là Người hoạt động cách mạng nhằm truyền bá tư tưởng yêu nước, cứu nước cho bà con Việt kiều ở nước bạn. Một vài chuyến lên Phnom Penh của cụ Phó Bảng đâu phải chỉ đơn thuần hoạt động từ thiện hay hoạt động cách mạng. Bí ẩn về hành tung của Cụ ở nước bạn còn cho thấy Cụ đã hay tin Nguyễn Ái Quốc đang về hoạt động ở Xiêm, Trung Lào, nên Cụ muốn tới để nghe ngóng tin tức của con trai, không loại trừ việc Cụ tìm cách lên biên giới Miên – Xiêm hay Miên – Lào để mong được bắt liên lạc với Nguyễn Ái Quốc.
Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ trồng hoa râm bụt trước lán ở và làm việc cạnh cây đa to lớn để làm biểu tượng cho chữ Hiếu. Bác thường nói: “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ xóm làng”. Khi nghe tin anh cả Khiêm qua đời, không về thọ tang, Bác đã gửi điện nhờ liên khu 4 chuyển tới Kim Liên với lời xin “mang tội bất đễ”.
Sau ngày Bác qua đời, người ta phát hiện trong một hộp gỗ đẹp mà Bác luôn trân trọng đặt trên cao có một bức ảnh cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Bác từng trả lời một nhà báo Pháp khi nói về cuộc kháng chiến đầy hy sinh mất mát ở miền Nam bằng câu: “Thịt là thịt của chúng tôi. Máu là máu của chúng tôi”. Bác tâm sự: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Đó chính là Bác muốn biểu lộ “máu, thịt của đồng bào miền Nam có máu, thịt của cha tôi” hay “Miền Nam có cả hình ảnh người cha luôn nằm trong trái tim tôi”.
Lời bàn:
Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất chảy về một hướng mới thành suối thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có một cái nền đất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc. (Hồ Chí Minh tuyển tập, Tập II, trang 480). Một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn cũng là từ cái gốc mà trưởng thành. Cái gốc đó không gì khác, chính là “Hiếu” và “Đễ”.
Tình cảm cha con thiêng liêng, lòng yêu nước nồng nàn, đó là những gì chúng ta có thể cảm nhận về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và con trai.
Nguyễn Tất Thành lớn lên trong sự dạy dỗ cẩn thận của cha mình, ra đi tìm đường cứu nước mà hành trang trên vai là chữ “Hiếu” với cha. Trong bối cảnh nước mất, nhà tan, chữ “Hiếu” của Nguyễn Tất Thành đã được hun đúc và nâng lên thành hiếu với dân, với nước, quyết một lòng ra đi tìm chân lý, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc.
Người xưa dạy: “Trung thần xuất thân từ người con hiếu thảo”. Đạo lý này nói rõ, một người yêu thương, hiếu thảo cha mẹ mình thì nhất định sẽ biết yêu thương, hiếu thảo cha mẹ của người. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, mặc dù đường công danh gặp nhiều lận đận, xong đối với con cái, Cụ đã hoàn thành sứ mệnh, giáo dục nên một người con trung hiếu vẹn toàn.
Đọc thêm: