Công chúa An Thường tên thật là Nguyễn Phước Lương Đức, sinh năm Gia Long thứ 16 (1817), là con gái thứ 4 của vua Minh Mạng.
Chuyện kể rằng khi công chúa An Thường lên 9 tuổi, một hôm mẹ nàng bị ốm, cũng đúng vào tiết Vạn thọ, các hoàng nữ vào hầu cơm. Gặp đại quan tiến món đuôi dê và nầm dê, vua ban cho các hoàng nữ ăn. Đến lượt công chúa, nàng chỉ ngậm mà không nuốt. Vua lấy làm lạ mới hỏi tại sao, công chúa đứng dậy ra khỏi tiệc tâu rằng: “Mẹ thần có bệnh, không được tham dự. Thần nghe nói món này rất bổ, nên để lại cho mẹ”. Vua rất khen, cho riêng một đĩa khác sai mang về cho mẹ. Mọi người trong triều đều cảm động khen ngợi.
Nhiều năm sau khi mẹ mất, công chúa xin tu sửa nhà thờ mẹ lâu ngày đã cũ nát. Phủ thần xét lời bẩm trình của công chúa, ban ơn phê chuẩn cho An Thường Công chúa lĩnh trước ba năm, mỗi năm nửa phần lương gạo, còn nửa phần lương gạo và tiền lương chiếu theo lệ chi lĩnh cho được tiện đem về tu bổ nhà thờ để tỏ đạo hiếu.
Năm Thiệu Trị thứ nhất, công chúa kết hôn với Phấn dũng tướng quân Đô úy Phan Văn Oánh người ở Thuận Xương, Quảng Trị. Sau khi vu quy, bà thờ mẹ chồng, dạy con, giữ đức khuê môn, không cậy mình là con vua.
Tuy xuất thân quyền quý, cao sang nhưng Công chúa An Thường luôn giữ lối sống bình dị và tấm lòng hiếu thảo, nhân hậu. Đến tuổi già, bà quy y cửa Phật với pháp danh Thanh Từ. Mùa hạ tháng tư, năm Tân Mão, bà qua đời, hưởng thọ 75 tuổi, thụy là Mỹ Thục.
Lời bàn: Tuy mới 9 tuổi, nhưng công chúa An Thường đã luôn biết nghĩ đến cha mẹ. Khi mẹ ốm thì mình cũng không đành lòng ăn ngon, ngược lại nàng luôn nghĩ cách chăm sóc và phụng dưỡng mẹ. Ân đức của cha mẹ đối với con cái vô cùng sâu nặng. Phận làm con lúc nào cũng để tâm mong muốn phụng dưỡng cha mẹ, giữ trọn bổn phận của một người con hiếu thảo như công chúa An Thường quả thật là hiếm có.