Thái hậu Từ Dũ (1810 – 1902) không chỉ nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp, đức hạnh, tài sắc vẹn toàn, yêu quý nhân dân mà bà còn được biết đến là một người mẹ rất giỏi trong việc nuôi dạy con cái.
Vô cùng nhân hậu nhưng cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy con
Thuở nhỏ, bà ham đọc sách và thông hiểu kinh sử, tính nết hiền đức, nết na nhưng người cha lại nghiêm khắc, bắt buộc con gái phải học nữ công và làm việc lặt vặt trong nhà. Vì vậy, bà không được học nhiều, do đó chữ nghĩa chỉ ở mức… đọc hiểu. Năm 12 tuổi, thân mẫu bị bệnh quá nặng nên bà ở nhà ngày đêm chăm sóc cho tới khi thân mẫu mất.
Sau này khi là vợ của vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức, bà rất nghiêm khắc trong việc dạy vua Tự Đức kiến thức, lễ giáo từ nhỏ. Bà là người thầy quyết định sự hình thành tri thức cũng như đạo lễ và nếp sinh hoạt Nho giáo, khuôn phép của vua sau này. Chính vì vậy, tuy nhỏ tuổi hơn anh trai mình nhưng ông vẫn được vua cha Thiệu Trị chọn làm người kế vị.
Nhờ mẹ kèm cặp mà từ nhỏ, Tự Đức đã chăm đèn sách, dùi mài kinh sử, khi lên ngôi, tuy việc nhiều nhưng ông vẫn không quên học hành. Chính nhờ có sự dạy dỗ của mẹ mà sau này vua Tự Đức trở thành vị vua tốt, là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt rất yêu thích thơ văn, được mệnh danh là vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn. Trong dân gian và lịch sử đến nay vẫn còn lưu truyền những giai thoại dạy con của bà Từ Dũ.
Sinh thời, bà Từ Dũ thường dặn con: “Người ta có học rồi mới biết thiện ác. Phải nhớ câu: Nhân bất học bất tri đạo” (Người không học thì không biết đạo lý). Khi đã là vua, hàng tối, Tự Đức có lệ đọc kinh sử cho mẹ nghe. Đến đoạn quan trọng, bà thường phân tích cho vua biết những ý tưởng sâu xa, những kinh nghiệm để điều hành triều chính. Bà còn thường nhận xét những ưu điểm, khuyết điểm của từng viên quan lại trong triều một cách hết sức công minh.
Có lần, vua Tự Đức mải vui ở cửa Thuận An nên bỏ buổi ngự triều. Bà giận lắm. Lúc về, ngài có đến xin lỗi mẹ, nhưng bà sai người đóng cửa cung Diên Thọ không cho vào. Nhà vua phải đứng chờ cả tiếng đồng hồ, sau bà mới cho gọi vào và dạy: “Nước đang có nhiều việc rối, Hoàng đế đã không lo lắng mà còn vui chơi được sao? Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính. Thôi, hãy mau về triều cùng các quan bàn quốc kế!”.
Suốt 36 năm ngồi trên ngai vàng để trị vì đất nước, nhưng các lễ nghi giao tiếp giữa vua Tự Đức với Hoàng Thái hậu Từ Dũ vẫn không hề thay đổi. Trong suốt thời gian ngồi trên ngôi báu, vua Tự Đức dường như có một thời khóa biểu cố định cho mình. Đó là, ngày lẻ thì vua nghị triều bàn bạc việc nước với quần thần, ngày chẵn thì vào chầu Thái hậu. Cho dù về sau, Hoàng Thái hậu tuổi ngày một cao, nhưng bà vẫn luôn là một con người mẫn tuệ. Có những việc đã qua rất lâu, những lời ai nói lúc nào, năm nào, sử sách kinh điển thế nào, nói gì bà đều nhớ như in. Cho nên vua Tự Đức có rất nhiều chuyện phải nhờ tới Hoàng Thái hậu.
Về sau, cuộc đời của vua Tự Đức có lắm chuyện buồn phiền. Để giải khuây, ông thường đi săn bắn hoặc xem hát bội. Thấy săn bắn là sát sinh nên bà Từ Dũ đã can ngăn vua đừng nên săn bắn. Có lần vua Tự Đức dâng lên cho mẹ mấy con chim vừa mới bắn được. Bà lựa ra những con chim bị thương nhưng còn khả năng sống được, đem xức thuốc, nuôi nấng cho lành rồi thả chúng về với thiên nhiên. Bà nhắc nhở vua Tự Đức: “Loài vật cũng như người, bắn chết con trống thời con mái thương nhớ, bắn con con thời con mẹ thảm buồn. Rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn. Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật”.
Một hôm rảnh việc nước, vua đi ngự bắn tại rừng Thuận Trực gặp phải khi nước lụt, trong khi đó còn hai ngày nữa thì đến ngày kỵ đức Hiến Tổ (ngày giỗ vua cha Thiệu Trị) mà vua vẫn chưa ngự về. Đức Từ Dũ nóng ruột sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi tìm vua và rước ngài về. Nguyễn Tri Phương phụng lệnh lên đường, đi được nửa đường thì gặp thuyền ngự đang chèo lên, do dòng nước chảy mạnh nên không chèo nhanh được vì thế nên gần tối thuyền ngự mới tới bến. Vừa tới Hoàng cung, vua liền lên kiệu tuần đi thẳng sang cung Diên thọ để lạy xin chịu tội dù khi đó trời vẫn đang đổ mưa. Vua Tự Đức đã dâng lên một chiếc roi mây đặt trong mâm son, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn chẳng nói chẳng rằng chi cả. Một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra rồi lấy tay hất cái roi đi. Bà tha tội cho nhà vua và dặn nhà vua phải ban thưởng cho quan quân cực khổ đi hầu ngự, rồi sáng mai vào hầu lạy thì vua mới đứng dậy, lạy tạ lui về. Ngay đêm hôm đó, nghe lời dặn của mẫu hậu, vua Tự Đức liền phê chuẩn ban thưởng cho quan quân đi hầu ngự.
Trọng dụng người trung thực
Bà Từ Dũ còn can gián vua biết trọng dụng người trung thực, người tốt. Chuyện rằng, khi mới lên ngôi, vua Tự Đức có nhiều lúc xao nhãng công việc triều chính. Quan trong triều không ai dám can ngăn, chỉ có Phạm Phú Thứ dâng sớ trách vua. Vua Tự Đức tuổi còn trẻ nên rất bực tức, liền cách chức Phạm Phú Thứ, đuổi về làm lính. Chuyện đến tai bà Từ Dũ. Bà hỏi vua: “Ông Phạm dâng sớ khuyên con thì ông được cái gì?”. Tự Đức thưa: “Dạ, ông không được gì, nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua thì quá đáng lắm”. “Thế khi bị con giáng chức xuống làm lính, ông Phạm có oán giận gì không?”. “Con không nghe có chuyện ấy”, Tự Đức trả lời.
Bà Từ Dũ từ tốn giải thích cho vua: “Thế thì người này đáng trọng lắm. Dâng sớ trách như vậy là vì có lòng thương vua. Lúc bị nạn lại chỉ cam chịu mà không đem lòng oán giận thì theo mẹ đấy là người chính trực, trung thành. Con nên nghĩ lại. Đất nước cần những người như thế”. Vua Tự Đức nghe ra, liền xuống chiếu ân xá, triệu Phạm Phú Thứ về kinh nhận lại trọng trách cũ. Đúng như bà Từ Dũ đã nhận xét, Phạm Phú Thứ sau này là nhân vật có tầm vóc của triều Nguyễn.
Bà thường hỏi han nhà vua về việc dùng người, dặn vua phải cảnh giác với bọn quan lại tham ô. Bà khuyên vua phải dạy các quan lấy nhân nghĩa, làm điều nhân nghĩa để hưởng ân trạch lâu dài. Bà còn thường nói với Tự Đức rằng: “Phép giữ nước là phải được lòng người. Muốn được lòng người thì phải đặt quan lại cho xứng chức, dân mới lạc nghiệp. Dùng người tốt mới có lợi cho đất nước”.
Là bậc mẫu nghi thiên hạ, muốn gì được nấy, nhưng bà đã không vì vậy mà nâng đỡ những người bà con dòng họ của mình. Có lần, có người cùng trong tộc Phạm Đăng của bà từ Gò Công ra đến Huế để xin chức tước. Khi được Vua Tự Đức hỏi ý kiến, bà đáp rằng: “Người trong họ ta không có công lao thì không được ban tước lộc. Nếu có ai làm điều sai quấy thì phải nghiêm trị theo phép nước để răn đe người đời”.
Nếp sống giản dị
Ai cũng biết rằng, bà Từ Dũ là người rất được vua Thiệu Trị sủng ái, được con là vua Tự Đức hết lòng phụng kính, cuộc sống vật chất nơi vương triều đạt đến tuyệt đỉnh. Thế nhưng, trước sau bà vẫn giữ nghiêm một nếp sống vô cùng giản dị đến lạ lùng.
Ở trong cung, bà thường dùng địa vị và quyền hạn của mình để ổn định mọi sinh hoạt ở tam cung lục viện. Theo bà, ở trong cung có trên thuận dưới hòa thì vua mới hết lo và dành hết thời giờ cho xã tắc. Bà vẫn thường nói với các hoàng phi, cung tần rằng càng ở ngôi cao thì càng phải chăm chắm sửa mình, phải cần kiệm liêm chính để kẻ dưới noi gương.
Khi vào ở tại cung Gia Thọ, người ta đã sắm sửa cho bà theo mức giàu sang tột bậc, nhưng bà nhất định chối từ. Bà nói rằng: “Đồ phụng dưỡng cho bổn thân này đều là của trong thiên hạ cung nạp. Mình đã không làm đặng sự chi lợi ích cho nhà nước thì thôi, cớ sao giám vọng phi?”. Rồi bà nhất quyết chỉ dùng những thứ đồ cũ đã có từ trước đó.
Một hôm, Vua Tự Đức đến cung Gia Thọ để thỉnh an mẹ. Vua cầm cái đãy đựng kính đeo mắt lên xem, thấy đãy đã cũ mềm, nhiều chỗ đã bị sứt chỉ, tuy đã được may lại rất khéo nhưng vẫn không thể giấu được sự nghèo nàn tội nghiệp. Vua Tự Đức đã đề nghị xin cho đổi cái khác. Bà nói: “Kiếng thủy tinh ấy đeo vào chỉ mát con mắt trong chốc lát thôi chớ chẳng hiệu nghiệm chi hơn. Nếu đổi cái đãy mới thì lâu rồi nó cũng sẽ cũ như rứa. Chi bằng cứ để nó mà dùng có tiện hơn không”.
Ngày ngày, cung nhân dâng đèn sáp để thắp sáng trong cung Gia Thọ, bà thường dạy cất bớt đi. Mỗi ngày dành một ít, đến lúc dồn được số nhiều, bà lại sai người đem vào dự trữ trong kho của triều đình. Phần sáp nhiễu ra thường là các cung nhân mang đi vứt, nhưng bà sai người gom góp lại, để dành đến lúc nhiều thì mang đúc thành cây đèn sáp mới. Bà thường nói với quan hầu rằng: “Ta thuở nhỏ gia đình tuy không dư dả nhưng cũng đủ ăn, vậy mà các thứ dầu nước không đủ thắp cho trọn đêm. Huống nay ngửa nhờ ơn trời đất, Tổ tông được giàu có trong bốn bể, một sợi tơ, một hạt lúa cũng là dầu mỡ của dân, nếu xài phung phí thì đã không ích chi mà còn rất tiếc. Lâu nay, tấn nạp cho ta toàn những đồ châu báu và gấm vóc sô tơ… Tất cả ta đều giao lại cho quan kho cất giữ. Vì bổn tính ta không thích sự hào nhoáng. Sách có chữ “xa xỉ ấy triệu nghèo, kiệm cần là nguồn phước” nên con cháu phải nhớ lấy!”.
Đương thời làm việc gì, tiêu cái gì dù nhỏ nhất bà cũng nghĩ tới dân. Có dịp mừng thọ bà Từ Dũ, vua cũng như triều thần muốn tổ chức trọng thể cho bà, nhưng bà đã lấy lý do dân còn nghèo, thiên tai còn gây mất mùa, đói kém để mà từ chối. Bà còn là người rất có công trong việc mang nhiều giống cây ăn trái ở quê bà xứ Gò Công và cả những giống cá cũng như công thức làm nhiều loại mắm đến với xứ Huế quê chồng.
Lời bàn:
Có lẽ trong lịch sử nước nhà, bà Từ Dũ là một Hoàng Thái hậu để lại nhiều bài học quý nhất trong việc dạy dỗ con nên người. Chính những chi tiết này khiến người đời sau ngưỡng mộ bà. Sau này, nhân dịp mừng mẹ thọ 60 tuổi, vua Tự Đức có làm 330 câu tụng, trong đó có đoạn như sau:
Ăn mặc chỉ dùng sẻn
Vì thế nên đủ dùng
Nữ công đã chăm chỉ
Lại có lượng bao dung
Nói năng có điều độ
Mừng giận không lộ ra
Nghiêm, nhưng không nghiệt ác
Hiền, nhưng không xuề xòa.
Bà tại vị như một bà hoàng đức cao vọng trọng nhất của triều đình nhà Nguyễn trong vòng 55 năm, từ lúc bà trở thành Hoàng thái hậu dưới triều vua Tự Đức vào năm 1847 cho đến khi qua đời vào năm 1902 dưới triều vua Thành Thái. Đức Từ Dũ đã có một cuộc đời tỏa sáng, nhân đức của bà được hậu thế lưu danh. Vì những đức tính và công lao của bà nên sau này người miền Nam nhớ ơn chọn tên Từ Dũ để đặt tên cho một bệnh viện phụ sản tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Đọc thêm: